27/12/2011

7 game thành công nhất Việt Nam năm 2011

Mỗi ứng viên trong danh sách này lại thành công ở một lĩnh vực khác nhau, nhưng tựu chung lại chúng đều là tâm điểm dư luận suốt 12 tháng gần đây.

Chỉ còn chưa đầy 4 ngày nữa là năm 2011 chính thức khép lại, và giờ là thời điểm thích hợp để chốt lại bản danh sách những tựa game thành công nhất Việt Nam 360 ngày qua. Mỗi ứng viên trong danh sách này lại thành công ở một lĩnh vực khác nhau, nhưng tựu chung lại chúng đều là tâm điểm dư luận suốt 12 tháng gần đây.

7554

Có lẽ sự xuất hiện của 7554 ở đây sẽ gây khá nhiều bất ngờ vì rõ ràng nó chưa thành công về mặt doanh thu. Hơn thế nữa nếu so sánh với lợi nhuận mà các MMO đắt khách nội địa thu về thì tựa game của Emobi chỉ có thể mơ ước. Tuy nhiên, bù lại, trò chơi này đã quá thành công trong việc gây dựng cột mốc đầu tiên cho ngành phát triển game offline thuần Việt.

Điều quan trọng là cột mốc đầu tiên ấy thực sự quá hoàn hảo, đập tan mọi suy nghĩ theo kiểu "hàng Việt chỉ là hàng kém chất lượng" xưa nay. Nói không ngoa, những gì mà Emobi làm được không hề quá thua sút so với mặt bằng thế giới.

Vì thế, nếu phải kể ra một tựa game xứng đáng là tâm điểm của làng game Việt năm 2011 thì rõ ràng 7554 là cái tên thích hợp nhất.

Đột Kích

Việc MMOFPS của VTC Game lọt vào danh sách này có thể khiến không ít người dè bỉu, nhất là khi nó luôn bị gắn liền với danh hiệu "MMO nhiều hack nhất Việt Nam". Thế nhưng sự thật không thể phủ nhận là Đột Kích vẫn sở hữu lượng gamer cực lớn, cộng với doanh thu đứng top của NPH miền Bắc.

Gặp khó khăn khổng lồ giai đoạn cuối 2010 khi 2 đối thủ SA và SF phải đóng cửa, cuối cùng Đột Kích đã vượt qua được để có 6 tháng đầu năm 2011 thành công không nhỏ. Nếu VTC Game làm tốt công việc ngăn chặn hack thì có lẽ MMOFPS này còn hút khách kinh khủng hơn nữa.

Giai đoạn cuối 2011, việc chủ động tổ chức các giải đấu VEC hay WCG cùng với chế độ chơi AI mới là một nỗ lực từ phía NPH nhằm củng cố thêm vị trí thống trị MMOFPS của Đột Kích.

Thiên Long Bát Bộ

Những năm trước, TLBB của FPT Online vẫn thường bị coi là "chiếu dưới" nếu so sánh với Kiếm Thế hoặc VLTK của VNG. Nhưng tới năm 2011, trò chơi này đã vươn lên trở thành thế lực MMORPG kiếm hiệp được ưa chuộng nhất Việt Nam, thành công quá lớn ấy là nhờ sự chăm chút không ngừng nghỉ từ phía NPH.


Điều dễ nhận ra nhất là ngày nay khi dạo qua các quán game online, lượng người chơi TLBB luôn ở mức cao. Khá nhiều đại gia tập trung trong MMO này mà không rời bỏ nhờ hàng loạt bản mở rộng (mới nhất là TLBB 2) được cập nhật đúng lúc.

Hiện tại, doanh thu từ TLBB cũng đứng top trong số các sản phẩm của FPT Online, đi sát sau là MU Online. Thực tế các dự án webgame của hãng năm nay lại không thành công.

Gunny

Là một trong những webgame thành công nhất năm 2010, sang năm nay Gunny tiếp tục chứng tỏ sức mạnh của mình. Có lẽ nhiều người không biết rằng hiện tại trò chơi này đang nằm trong top lợi nhuận của VNG, vượt hơn cả một số đầu game ăn khách trước đây.


Thành công của Gunny trước tiên là tới từ gameplay phù hợp với mọi lứa tuổi, thêm nữa các chính sách quản lý của VNG khá hợp lý và nhất là việc lợi dụng được cộng đồng ZingMe to lớn đã khiến tựa game này lên như diều gặp gió, khác hẳn với khi nó còn cạnh tranh với TAAN của FPT.

Thời gian qua, chúng ta đã nghe quá nhiều về sự đi xuống của VLTK hay Kiếm Thế, đặc biệt là khâu đường truyền, thế nhưng Gunny vẫn là điểm sáng không thể phủ nhận, cho thấy tiềm lực của NPH lớn nhất miền Nam.

Tam Quốc Truyền Kỳ

Sau thành công với Linh Vương, hàng loạt webgame đề tài chiến thuật cập bến Việt Nam trong 2 năm qua đã khiến xu hướng này dần trở nên bão hòa. Tưởng chừng các NPH sẽ không còn mặn mà với thể loại cũ nhưng rồi quyết định ra mắt Tam Quốc Truyền Kỳ (tên gốc tiếng Anh là WarFlow) đã thay đổi tất cả.


Là sản phẩm đầu tiên trình làng trong loạt webgame đề tài Tam Quốc, TQTK cho thấy thể loại chiến thuật chưa hẳn đã bão hòa, theo NPH thì chỉ sau vài ngày mở cửa lượng CCU đã lên tới hàng vài chục nghìn. Các topic bàn luận về webgame này rất sôi nổi với hàng vài trăm comment, được vậy cũng nhờ gameplay hấp dẫn, nền tảng đồ họa khá và chất lượng đường truyền tốt.

Thành công của TQTK khiến các đối thủ của nó gần như không thể đuổi kịp, đồng thời cho thấy SGame "mát tay" thế nào với lĩnh vực webgame.

Loong Online

Là đại diện duy nhất của dòng MMORPG 3D chính thống về Việt Nam trong nửa đầu 2011, Loong Online như một phép thử tiếp theo xem xu thế 3D có thực sự ăn khách tại thị trường nội địa sau nhiều năm bị 2D, 2.5D lấn át. Và quả thực trò chơi đã làm được không ít thành tựu, ngoại trừ việc... không rõ NPH là ai.


Tất nhiên, thành công về mặt doanh thu của Loong là chưa thực sự rõ ràng, thế nhưng nó đã mang lại cái nhìn khả quan hơn cho xu thế MMORPG 3D vốn vô cùng ảm đạm tại Việt Nam. Các NPH có lẽ cũng nhận ra điều ấy và chắc chắn họ sẽ biết phải mua game gì về nước sau giai đoạn nhập khẩu khó khăn hiện tại.

Đối thủ cạnh tranh quyết liệt với Loong là Thần Long Huyết Kiếm, tuy nhiên thời gian vừa qua tình trạng lag, dis đã khiến nó tụt lùi lại phía sau (VTC phải chi tới 12 tỷ VNĐ để chống lag).

FIFA Online 2

Doanh thu tuy chưa sánh được so với Đột Kích, nhưng FFOL 2 lại làm được điều đáng tuyên dương là trở thành game online đầu tiên tại Việt Nam được công nhận là bộ môn eSport. Thành công của chiến dịch vận động hành lang của VTC Game là không thể phủ nhận.


Thậm chí với động thái trên, rất có thể game thủ đạt chức danh Đại kiện tướng FFOL 2 sẽ được tuyển thẳng vào Đại học. Điều này vốn chỉ có "trong mơ" và không mấy ai ngờ rằng nó lại trở thành sự thực.

Cũng theo NPH miền Bắc, 12 Câu lạc bộ FFOL2 đã được chính cộng đồng người chơi trên cả nước thành lập tại các tỉnh, thành lớn. Thậm chí game thủ giành giải cao tại Đại hội thể thao Châu Á trong nhà lần 3 (2009) còn được Thủ Tướng nước ta gửi bằng khen.
LỌC THEO